Chế độ dinh dưỡng khi bé bị tiêu chảy do virus Rota
Trong thời điểm cận Tết, dịch tiêu chảy Rota vẫn đang hoành hành trẻ và chưa có dấu hiệu lắng xuống, các mẹ nên lưu ý cẩn thận sức khỏe cho bé yêu.
Virus Rota là gì
Virus Rota là tác nhân gây nên bệnh tiêu chảy cấp rất nặng, người bệnh thường là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Đây là loại virus siêu vi có thể sống lâu trong môi trường nên có khả năng lây nhiễm rất cao. Chúng tấn công nhanh và mạnh vào hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ, gây tiêu chảy nặng, mất nước và nhiều trường hợp trẻ bị tử vong do không kịp thời điều trị.
Virus tồn tại rất lâu trong môi trường: ở lòng bàn tay, trên sàn nhà, các đồ vật xung quanh… Trẻ dễ dàng bị nhiễm bệnh do ăn uống phải thức ăn bị nhiễm khuẩn hay đơn giản chỉ vì trẻ có thói quen mút tay hay chơi đồ chơi bị nhiễm bẩn. Chỉ cần bé mút tay hoặc dùng tay bẩn quệt lên mắt, mũi là bé sẽ bị nhiễm bẩn. Giới y tế nhận định đây là căn bệnh gây mất nước nghiêm trọng ở trẻ.
Triệu chứng nhiễm bệnh: Trẻ bị nhiễm Rota virus thường sốt, buồn nôn và nôn mửa dữ dội. Sau 12 đến 24 giờ, sẽ xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, từ nhẹ đến nặng. Tiêu chảy do nhiễm rota virus nguy hiểm hơn tiêu chảy thông thường bởi trẻ nhiễm rotavirus có thễ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh có thể kéo dài 7-10 ngày, thậm chí 15-20 ngày. Các triệu chứng nặng nhất thường có vào ngày thứ 3-4.
Ngoài ra, tiêu chảy do rota virus nguy hiểm hơn rất nhiều các bệnh tiêu chảy khác vì hiện chưa có thuốc đặc trị. Việc đi tiêu ra nước lỏng và nôn mửa nhiều khiến trẻ mất nước và điện giải.
Vì vậy, cơ thể trẻ bị mất nước, đa số ở mức nhẹ và vừa, có những trẻ bị mất nước nặng. Cha mẹ cần để ý đến bé, khi cơ thể bị mất nước, bé thường khát, bé bị mất nước có dấu hiệu mắt khô, niêm mạc môi, miệng khô, da nhăn nheo. Các trẻ nhỏ dưới 1 tuổi có biểu hiện thóp lõm xuống, ngủ mắt nhắm không kín, trẻ khóc không có nước mắt,… Nếu bị mất nước nặng, bé có dấu hiệu lừ đừ, li bì, vật vã, co giật.
Trong thời gian nhiễm bệnh, cơ thể trẻ bị mất nước, việc bù nước cho trẻ vô cùng quan trọng. Cha mẹ nên cho bé uống nước từ từ, các loại nước hoa quả, oresol hoặc các dung dịch bù nước điện giải được chế biến từ thức ăn: nước cháo muối, nước gạo rang, súp cà rốt.
Nhiều bà mẹ sai lầm khi sốt ruột và tự ý cho bé uống kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy mà không có chỉ định của bác sĩ. Trên thực tế có nhiều trẻ dù đã được bổ sung vaccin đúng thời điểm, song vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh này, vậy nên cha mẹ nên đề cao cảnh giác, không nên chủ quan. Khi thấy những dấu hiệu lạ ở trẻ, cha mẹ cần đưa con tới ngay bệnh viện.
Cách phòng bệnh
Nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian đầu cũng giúp bé phòng tránh được căn bệnh này. Sữa mẹ đảm bảo vệ sinh, nhiều kháng thể giúp bé giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy. Cha mẹ nên cho bé ăn sạch, uống sạch. Sử dụng nguồn nước sạch cho việc vệ sinh và ăn uống: Nước uống cho trẻ cần đun sôi, để nguội, không cho trẻ uống nước lã.
Việc vệ sinh tay chân, cơ thể kỹ càng là một việc làm mà ai cũng biết nhưng nhiều người lại xem nhẹ. Cha mẹ cần thường xuyên lau dọn nhà cửa, vệ sinh đồ chơi cho bé, vệ sinh đồ dùng xung quanh bé.
Tuy nhiên, cách phòng bệnh tốt cho trẻ đó là cha mẹ cần đưa bé tới trung tâm y tế để uống vaccin phòng bệnh. Việc uống vaccin phòng virus Rota cho trẻ trước 6 tháng là điều vô cùng cần thiết và có hiệu quả cao.
Sử dụng thêm men vi sinh chứa các thành phần Probiotic và Prebiotic để giúp bé có hệ tiêu hóa, miễn dịch khỏe mạnh.
Dinh dưỡng cho bé khi bị tiêu chảy Rota
Khi bé tiêu chảy, có thể luân phiên chọn một trong số những loại nước sau: nước đun sôi để nguội, nước dừa, sữa mẹ… Trong đó sữa mẹ được coi là thức ăn tốt nhất cho bé lúc này vì sữa mẹ đầy đủ chất dinh dưỡng, lại có yếu tố bifidus – chất cần thiết để cân bằng môi trường đường ruột.
Tiêu chảy, có thể kèm nôn (trớ) dễ dẫn tới hiện tượng mất nước, do đó, cha mẹ nên chú ý phòng tránh tình trạng này cho bé. Sau từng khoảng thời gian ngắn, bạn cần cho bé uống một vài thìa chất lỏng. Nên cho trẻ uống dung dịch Oresol pha đúng cách.
Nếu bé bị nôn (trớ), nên đợi khoảng 15-30 phút mới nên bắt đầu cho bé uống nước. Có thể cho bé uống nước dừa hoặc ăn một chút cháo loãng.
Ngoài ra, trong thời gian bé bị tiêu chảy, cha mẹ nên cho bé ăn thức ăn nhẹ và mềm để bé dễ tiêu hóa, chẳng hạn, cháo gạo trắng loãng, cháo thịt nạc, cháo carrot thịt nạc, carrot hầm nhừ (carrot rửa thật sạch, để nguyên vỏ trước khi chế biến được xem như món ăn có lợi cho bé tiêu chảy), soup gà, khoai tây hầm nhừ…
Nên nhớ cho bé ăn một lượng thịt ít hơn thường ngày (nếu cho bé ăn nhiều chất đạm, bé sẽ khó tiêu hóa). Trường hợp này, cha mẹ nên chọn loại sữa dành cho bé bị tiêu chảy vì lượng đường trong sữa tuy thấp nhưng nó vẫn chứa đủ các chất dinh dưỡng khác.
Táo là loại quả thích hợp cho bé bị tiêu chảy vì chúng chứa nhiều kali, giúp cơ thể nhanh hồi phục. Có thể hấp hoặc hầm nhừ táo để bé dễ tiêu hóa.
Tránh cho bé ăn những thức ăn nhiều đường, hoa quả nhiều đường gây nặng nề cho hệ tiêu hóa. Cha mẹ cũng không nên cho bé tiêu chảy uống nước hoa quả hoặc nước ngọt vì đồ uống này sẽ khiến chứng tiêu chảy ở bé trầm trọng hơn.
Nên tránh cho bé ăn thức ăn nhiều gia vị, dầu mỡ, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Một số bé uống sữa cũng khiến tiêu chảy nặng thêm do phản ứng với lactose có trong sữa.
Nên cho bé ăn nhiều bữa nhỏ, thường xuyên thay vì chú trọng đến khẩu phần của một bữa lớn. Cũng không nên bắt ép bé ăn mà có thể để bé tự chọn món ăn yêu thích, bé sẽ hấp thu được nhiều thức ăn hơn bạn nghĩ.
3 cấp độ khi bé bị mất nước
– Mất nước nhẹ: Bé khát nước và dường như muốn uống nước liên tục. Bé quấy khóc nhiều và chỉ khi được uống nước, bé mới tỏ ra ngoan ngoãn.
– Mất nước vừa: Ngoài khát nước, bé còn xuất hiện những dấu hiệu như miệng khô, mắt khô và da nhăn nheo. Bé có thể bị lõm thóp, mắt trũng lại; bé khóc không có nước mắt, nước dãi…
– Mất nước nặng: Ngoài những dấu hiệu trên, bé sẽ xuất hiện những triệu chứng nặng hơn như lừ đừ, hôn mê hoặc co giật.
Độc giả có thể gửi câu hỏi về hòm thư: bslethihai@bekhoemevui.vn để được thạc sĩ. Lê Thị Hải tư vấn, giải đáp hoặc gọi 1900 545439 – 0439 960 886 để được các chuyên gia tư vấn về bệnh lý và sản phẩm (miễn phí).