Trẻ nhỏ là đối tượng thường xuyên bị táo bón do bộ máy tiêu hóa chưa hoàn thiện. Đặc biệt trẻ uống sữa công thức hoặc trẻ đang trong giai đoạn tập ăn dặm cũng có nguy cơ táo bón cao. Khi trẻ bị táo bón, mẹ nên chủ động trong việc tìm hiểu nguyên nhân cũng như giải pháp hiệu quả để giúp trẻ nhanh chóng chấm dứt vấn đề này.
Những biểu hiện khi trẻ bị táo bón
Để xác định trẻ bị táo bón hay không, mẹ có thể dựa vào các dấu hiệu như:
– Số lần đi cầu thưa, dưới 2 lần đại tiện/ngày với trẻ sơ sinh, dưới 3 lần đại tiện/tuần với trẻ nhỏ.
– Phân keo dính, khi đi cầu quấy khóc, oằn mình khó chịu.
Táo bón cũng là một dấu hiệu của tình trạng rối loạn tiêu hóa, nếu không được điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng, trẻ đầy bụng, biếng ăn, kéo dài dẫn đến còi cọc, chậm lớn. Phân không được thải ra ngoài đều, chất độc trong phân có thể hấp thu ngược lại vào máu gây hại đến sức khỏe của trẻ.
Nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón
Với trẻ bú mẹ hoàn toàn.
Trẻ bú mẹ hoàn toàn thường ít bị táo bón hơn so với những trẻ uống sữa công thức bởi sữa mẹ rất dễ tiêu hóa, ngoài ra sữa mẹ còn chứa 1 loại hormone là motilin giúp tăng nhu động ruột, nhờ đó phân được thải ra ngoài dễ dàng. Tuy nhiên táo bón sẽ vẫn xảy ra trong một số trường hợp như:
– Trẻ bú kém, không đủ để tạo thành lượng phân đi cầu.
– Sau sinh mẹ ăn nhiều thực phẩm gây nóng trong như mật ong, nghệ, tam thất, gia vị… Mẹ uống canxi, sắt.
– Mẹ bị táo bón khiến trẻ cũng bị táo bón
Với trẻ uống sữa công thức
Việc uống sữa công thức đặt biệt là ngay từ lúc mới sinh sẽ có nguy cơ táo bón cao do sữa công thức thức khó tiêu và dễ gây nóng. Tùy theo sữa của từng hãng mà trẻ có thể bị hay không bị táo bón khi uống, ví dụ những dòng sữa cho giàu đạm hơn, sữa cao năng lượng, hay bổ sung thêm sắt, canxi cũng có thể làm cho các bé dễ bị táo bón. Mẹ pha sữa cho trẻ chưa đúng tỉ lệ, pha quá đặc cũng là một nguyên nhân.
Ảnh minh họa
Ngoài nguyên nhân chủ yếu đến từ chế độ dinh dưỡng, thì trẻ mắc phải những bệnh lí sau cũng có thể gây táo bón như còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu… gây giảm trương lực ruột, hoặc các dị tật bẩm sinh (chiếm tỉ lệ nhỏ khoảng 5%) như phình to đại tràng, bệnh suy giáp trạng.
Giải pháp khắc phục khi trẻ bị táo bón
Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn
Tùy thuộc nguyên nhân gây nên tình trạng trẻ bị táo bón mà cần có hướng cải thiện phù hợp:
+ Cần kiểm tra trẻ đã bú đủ lượng sữa chưa và tăng số lần bú, nếu trẻ bú ít có thể vắt sữa đút thìa thêm. Thông thường, trẻ dưới 6 tháng bú mẹ không cần uống nước, nhưng nếu bé bị táo bón thì vẫn có thể cho bé uống thêm khoảng 50ml nước/ngày.
+ Nếu mẹ bị táo bón, mẹ cần ăn thêm rau xanh, trái cây tươi, uống thêm nước, vận động nhẹ nhàng để để cải thiện hiệu quả táo bón cho phụ nữ sau sinh. Tạm dừng đồ ăn có tính nóng, nếu đang uống canxi, sắt cũng nên tạm dừng. Ăn các loại rau quả có tính chất nhuận tràng như rau khoai lang, mồng tơi, củ khoai lang, đu đủ, chuối tiêu, cam, bưởi…
+ Tác động bên ngoài bằng cách xoa bụng cho trẻ theo chiều kim đồng hồ từ phải sang trái ngày 3-4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa, hoặc di chuyển hai chân trẻ như kiểu đạp xe để kích thích co bóp, làm tăng nhu động ruột để tống phân ra ngoài.
Với trẻ uống sữa công thức
Nếu trẻ đang uống loại sữa công thức hiện tại và gặp phải tình trạng táo bón, cha mẹ nên đổi sang loại sữa khác, đầy đủ chất dinh dưỡng và có thêm thành phần chất xơ (FOS). Pha sữa đúng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất hoặc pha sữa loãng hơn bình thường một chút. Khi được trên 5 tháng có thể dùng nước cháo nấu với các loại rau củ pha sữa.
Mong rằng với những chia sẻ trên đây đã giúp các bậc cha mẹ có những thông tin cần thiết về tình trạng trẻ bị táo bón và cách khắc phục hiệu quả nhất.