Mỗi bữa cơm của trẻ biếng ăn kéo dài cả tiếng đồng hồ. Công việc của mẹ bận rộn mà loay hoay không biết làm sao để tập bé có tác phong ăn uống nhanh nhẹn hơn, nhất là cái “tật” ngậm búng cơm khó bỏ.
Thói quen ngậm cơm của trẻ biếng ăn
Việc ngậm cơm chứng tỏ trẻ không đói hay chỉ đơn thuần là một thói quen khó bỏ. Chúng thực sự là thói quen dai dẳng, càng không phải là biểu hiện của trẻ không đói. Vì khi đó trẻ dường như không phân biệt được cảm giác đói hay no. Mẹ chỉ thấy rằng cứ ngậm mãi như vậy, bữa ăn của bé sẽ kéo dài cả tiếng đồng hồ, khiến mẹ bốc hỏa.
Ngậm cơm là thói quen khó bỏ của trẻ biếng ăn
Tại sao trẻ biếng ăn thích ngậm búng
Với trẻ biếng ăn, việc ăn thực sự là “quá sức”. Bé ăn không ngon miệng và ít có cảm giác đói nên cơ thể dần hình thành phản xạ lười nhai, lười nuốt. Một phần ở cơ địa của bé, nhưng một phần cũng do chính cách chế biến thức ăn không hợp lý của mẹ.
Nếu thức ăn được quá cứng, quá dai hay có vị tanh, nhạt nhẽo, bé chống đối lại việc ăn bằng cách ngậm là điều dễ hiểu. Hoặc mẹ cho trẻ ăn đồ mềm quá lâu, có bé 2-3 tuổi mà vẫn cho ăn cháo xay hoặc cháo hạt sẽ làm trẻ trở nên lười nhai, nuốt. Từ đó hình thành thói quen ngậm khi bé gặp thức ăn cứng. Khi không chịu nhai, men tiêu hoá không được kích thích bài tiết đủ càng khiến trẻ chán ăn, hay ngậm.
Ngoài ra, trẻ biếng ăn ngậm thức ăn như một thói quen yêu thích. Khi ngậm thức ăn lâu trong miệng, men tiêu hoá chuyển hoá thành đường tạo vị ngọt khiến bé thích thú. Chỉ một vài lần do mải chơi không nuốt, nhai thức ăn, bé dần dần sẽ hình thành thói quen khó bỏ.
Giúp trẻ biếng ăn thôi ngậm búng
Nhiều bà mẹ trẻ từng than thở, bỏ ra thời gian để xào xào, nấu nấu rất nhiều công sức nhưng đợi chờ 1, 2 tiếng cho con ăn, cháo vữa, cơm sình khiến mẹ nổi đóa. Bữa ăn đã khó lại càng mệt mỏi cho cả mẹ và con.
Để xóa bỏ thói quen ngậm cơm, mẹ hãy biến bữa ăn thành một trò chơi hấp dẫn. Cà chua làm thành một trái tim vừa một miếng. Thịt bò là những quân cờ. Đùi gà là một cái kem… Bạn có thể biến tấu các thức ăn này thành một câu chuyện để kể cho bé nghe. Cách tốt nhất là vừa nấu vừa làm trò và đút gọn một miếng vào miệng bé.
Hãy lập giải thưởng tặng bé khi ăn nhanh. Chẳng hạn nếu bé ăn xong bữa trong 30 phút hoặc ít hơn bạn tặng bé một miếng dán sticker. Dán các sticker này lên một góc bảng hay tường nhà để…đổi quà. Ăn nhanh vì phần thưởng sẽ khuyến khích bé hành động tích cực hơn.
Mẹ cũng nên đưa ra thời gian biểu cho mỗi bữa ăn. Khi bữa ăn của bé kéo dài quá 30 phút mẹ có thể dừng lại, không nên cố ép trẻ ăn. Mẹ có thể dể bé đói hơn một chút vào bữa sau để bé có thể ăn ngon miệng hơn.
Việc chia nhỏ bữa ăn cũng khiến trẻ thấy dễ dàng “tiếp thu” hơn. Trẻ cảm thấy thoải mái mà lượng thức ăn cần trong một ngày vẫn được “nạp” đủ. Bằng những lời nói nhẹ nhàng, âu yếm, bạn từ từ “trị” được chứng ngậm cơm lâu ở bé yêu nhà mình.
Mách nhỏ:
- Đổi món thường xuyên và bổ sung nhiều rau xanh.
- Mẹ không nên cho bé ăn vặt trước bữa ăn. Nhưng có thể coi đó là phần thưởng sau khi bé hoàn thành bữa ăn của mình.
- Cho bé uống kèm 1 muỗng nước canh với 1 muỗng cháo, cơm để nuốt nhanh hơn.
- Không cho trẻ vừa ăn vừa chơi, lâu dần sẽ thành thói quen ngậm do mải chơi.