Cả năm chỉ có mấy ngày Tết. Tâm lý chủ quan đó vô tình đã khiến người lớn trong nhà “chiều” cho việc ăn uống vui chơi của trẻ nhỏ trong dịp đầu năm. Vì vậy mà Tết chính là cơ hội mà nhiều bệnh lý đe dọa sức khỏe của trẻ.
Tiêu chảy cấp
Những loại bánh mứt, nước ngọt có độ ngọt cao sẽ là môi trường thuận lợi cho những loại vi khuẩn E.coli, Shigella…phát triển và gây bệnh. Vì vậy mà tiêu chảy cấp là căn bệnh nhiều bé thường hay gặp phải trong ngày Tết.
Một số triệu chứng tiêu chảy cấp như trẻ đi phân lỏng nhiều lần trong ngày, có thể kèm nôn, sốt. Biến chứng nguy hiểm là mất nước, khiến trẻ mệt lả, chân tay lạnh, mắt trũng, thóp lõm, tiểu ít, da khô và nhăn nheo.
Ba mẹ nên xử trí bước đầu bằng cách bù nước cho trẻ nhờ các loại dung dịch điện giải có sẵn trên thị trường như: ORS, Hydrite. Nhưng mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu bé bị tiêu chảy sau hai ngày điều trị như trên hoặc nếu trẻ sốt cao, có các dấu hiệu mất nước, phân có nhày máu hoặc ăn kém.
Ngày tết việc ăn uống của bé bị lơ là nên bé rất dễ ốm
Táo bón
Táo bón xảy ra nhiều hơn ở trẻ 1- 3 tuổi. Vì ngày tết bé thường ăn ít rau, nhiều thịt và các món giàu đạm. Đã thế, bé lại hay ăn quá bữa và ăn nhiều đồ ăn lạ. Người lớn lại có tâm lý ngày Tết bé thích ăn gì cho bé ăn, Tết chỉ có mấy ngày. Mẹ cũng bận rộn không kịp chuẩn bị đồ ăn cho bé như ngày thường.
Trong trường hợp này, mẹ nên cho bé bú nhiều hơn, uống nhiều nước và bổ sung rau trong bữa ăn của bé. Trong trường hợp đi chơi có thể về muộn, mẹ nên chủ động chuẩn bị đồ ăn dặm cho trẻ. Mẹ cũng có thể cho trẻ ăn thêm men vi sinh trong những ngày Tết để hỗ trợ hệ tiêu hóa hấp thụ tốt hơn.
Ngoài ra, dịp Tết mẹ cũng nên đề phòng các trường hợp trẻ bị ngộ độc thức ăn, ăn no quá hoặc đói quá. Nếu trẻ bị lồng ruột hoặc viêm ruột thừa thì cần đưa tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
Hóc dị vật
Đây là một trong những tai nạn dễ gặp trong ngày Tết. Trẻ dễ bị sặc hạt dưa, hạt bí, hạt lạc, kẹo cứng, thạch hoặc tiền xu, đồ chơi, khuy áo…
Nếu trẻ đang chơi đột ngột ho sặc sụa, khó thở, trợn mắt, mặt tím tái có thể trẻ đã bị hóc dị vật. Dị vật đường thở rất nguy hiểm, nhẹ thi ho sặc tím tái, viêm phổi, nặng sẽ tử vong do ngưng thở.
Nếu trẻ nói được, khóc được gia đình nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được khám và gắp dị vật ra. Ngoài ra, mọi người có thể dùng thủ thuật Heimlich dùng để cấp cứu khi có dị vật lọt vào đường thở. Nguyên tắc của Heimlich là tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào hai lá phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, mục đích tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp, đẩy dị vật ra ngoài.
Vì thế Heimlich có hiệu quả rất tốt với những dị vật choán gần hết đường thở và dễ di chuyển như viên bi, kẹo…còn những vật khác không choán hết đường thở hoặc có hình dáng góc cạnh thì phải nhờ chuyên khoa Tai Mũi Họng lấy dị vật ra.
Một lưu ý là ba mẹ không dùng tay để móc dị vật trong họng của trẻ, vì làm như vậy rất dễ sẽ đẩy dị vật vào sâu hơn, khiến trẻ bị ngạt thở, thậm chí là tử vong.
Cảm, cúm
Nếu cảm thường trẻ sẽ sốt nhẹ, sổ mũi nước trong, hắt hơi,ngạt mũi nhưng trẻ vẫn ăn, chơi bình thường. Nếu bị cúm trẻ sẽ sốt cao, ho, sổ mũi, hắt hơi và thường đau nhức cơ, mệt mỏi, ăn uống kém.
Bệnh này hay gặp nhất vào mùa lạnh, lây truyền nhành trong dịp Tết vì mật độ người đông, nhất là những nơi vui chơi công cộng. Tác nhân gây bệnh là các siêu vi trùng cúm với rất nhiều chủng loại khác nhau.
Cho trẻ nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn, cho trẻ ăn với chế độ ăn tăng sức đề kháng, dùng thực phẩm dễ tiêu, tránh các thực phẩm có nhiều dầu mỡ, dùng thức ăn có nhiều chất khoáng và vitamin như các loại súp, trái cây (cam, chanh…). Cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt nếu sốt cao. Cần theo dõi các triệu chứng của bệnh cúm nặng vì có thể biến chứng viêm phổi và đưa trẻ tới bệnh viện điều trị kịp thời.
Ngoài ra, trẻ còn có thể bị dị ứng thức ăn hoặc dị ứng đồ trang sức, bị tai nạn bỏng điện hoặc bỏng nhiệt do bé chơi đùa trong lúc người lớn đang bận rộn dọn dẹp nhà cửa hoặc tiếp khách.
Mặc dù chỉ có mấy ngày Tết nhưng ba mẹ nhớ chăm chút việc ăn uống của trẻ để trẻ đón một cái tết Tết vui vẻ và mạnh khỏe.